Dân mê nhiếp ảnh thường đùa: Nếu ghét ai thì cứ dụ người đó chơi ảnh! Nhưng cũng đừng vì thế mà “cảnh giác” với cánh nhiếp ảnh bởi một khi bạn bị… lạc vào thế giới hồ thủy sinh thì xem như không có đường ra.
Tiền và cả công sức cứ phải “đổ” vào hồ mà vẫn không làm người ta nản lòng bởi đã phải lòng… Bonsai không phải là điều mới mẻ, nhưng gần đây, chuyện ngắm cá, tôm bơi lội tung tăng quanh gốc bonsai đã trở thành thú chơi mới.
Lỡ mê hồ thủy sinh
“Trước đây, tôi có hồ nuôi cá, nhưng khi được nhìn ngắm hồ thủy sinh của nhà một anh bạn, tôi đã mê ngay. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm nên tôi nhờ thợ thiết kế hồ. Nhưng dần dần tự học hỏi và tự rút ra kinh nghiệm, tôi đã có thể tự tạo hồ thủy sinh “made by me”. Lâu lâu lại thay đổi kiểu hồ một lần bằng cách thêm cát để làm dòng sông, thay dáng gỗ lũa để tạo cây bonsai. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ cần ngồi ngắm cá, tép bơi lội tung tăng dưới tán cây bonsai là… đủ tan biến hết phiền toái”, anh Trung Đức (Q.8, TP.HCM) cho biết.
Ngoài lý do thư giãn và để làm đẹp không gian, một số người mê hồ thủy sinh vì tin vào phong thủy. Chị Nguyễn Thị Nhàn (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Hồ thủy sinh mang đến nguồn năng lượng rất tốt. Ngoài việc tạo không gian đẹp, hồ thủy sinh còn hút tài lộc và thịnh vượng cho người chơi. Như tôi mạng thủy nên thích hợp chơi hồ thủy sinh. Tôi sử dụng thêm tông màu đen từ màu sắc của tép, cá kết hợp với các tông màu trắng và sắc ánh kim vì kim sinh thủy”.
Chưa cần bàn đến công sức để bỏ ra chăm sóc, số tiền đầu tư cho thú chơi này đã khiến nhiều người phải giật mình. Để có một hồ thủy sinh đẹp thì người chơi phải hội đủ các yếu tố như hồ, ánh sáng, khí CO2, nhiệt độ nước và phân nước. Tiền còn chi khá bộn cho các loại cây như dương xỉ, rêu, trân châu, cỏ đậu nành, phượng vĩ đài, đàn thảo, cỏ lá tròn, cỏ đăng tâm, rong cúc, thanh hồng điệp, gỗ lũa… cùng các loại cá và tép. Theo anh Trung Đức, giá để set up một hồ thủy sinh căn bản chừng 2 triệu đồng/m, không tính cá, tép và gỗ lũa tạo bon sai. Còn giá set up loại hồ có cá, tép và bonsai tạo hình thấp nhất là 30 triệu. “Chuyện mua thêm cá, tép, gỗ lũa trở thành thói quen. Cứ thấy cá, tép nào mới lạ là phải mua về ngay. Thấy gỗ lũa nào có dáng đẹp là tôi tìm cách tậu về cho bằng được. Nhưng bỏ tiền ra mua nhiều cây, nhiều cá mà không biết cách chăm sóc thì cũng không thể được gọi là người biết chơi hồ thủy sinh”, anh Trung Đức giải thích.
Theo kinh nghiệm của những tay chơi, các loại thực vật thủy sinh phát triển rất nhanh nên phải cắt tỉa thường xuyên nếu không sẽ phá vỡ hình dáng của hồ. Mỗi tuần phải thay nước một lần, đèn trong hồ phải luôn chiếu sáng, ít nhất 12 tiếng/ngày; nếu thời tiết nắng nóng thì phải dùng quạt để làm mát nước.
Hành trình cây bonsai xuống nước
Nhiều tay chơi bonsai đã phải kinh ngạc khi nhìn thấy bonsai được trồng trong hồ thủy sinh. Ai cũng biết bonsai là loại cây rất khó chăm sóc. Muốn bonsai “sống khỏe” thì phải thường xuyên cắt tỉa và uốn cành để giữ dáng cho cây. Thời điểm để làm việc này là mùa xuân trước thời điểm cây bắt đầu phát triển. Việc tưới nước cũng phải tiết chế bởi nếu không thì nhẹ nhất là cây bị nấm, còn nặng hơn là cây bị úng nước mà chết. Thế nên khi nhìn thấy bonsai nằm ẩn mình trong nước mà vẫn tươi tốt, nhiều người đã choáng ngay từ lần đầu tiên “gặp gỡ”.
Hành trình mang bonsai xuống hồ thủy sinh không phải là chuyện dễ dàng. Hứa Văn Khôi, thành viên của hội Thủy sinh Việt Nam trên Facebook cho biết: “Bonsai dưới hồ thủy sinh thực chất được tạo hình từ gỗ lũa. Từ những khúc gỗ khô cằn, người chơi phải tạo hình bằng mùn cưa hoặc keo dán. Lũa có nhiều loại: linh sam, trắc, đỗ quyên… Quan trọng là tìm dáng hợp với ý mình tạo hình, rồi cắt ghép lại. Riêng tán bonsai thì làm từ rễ của cây chè đã được xử lý vỏ. Tay nghề của người làm quyết định tuổi thọ của bonsai. Có cây chỉ vài tháng là gãy ngay mối dán, có cây có thể sống đến vài năm”.
Chia sẻ bí quyết để bonsai bền, bạn Khôi cho biết sau khi ghép lũa xong phải luộc qua nước sôi để giảm bớt sự ra màu từ cây và bớt đi mùi keo rồi ngâm lũa vào nước thêm một tuần nữa trước khi cho xuống hồ thủy sinh. Công đoạn sau cùng là trồng thêm rong rêu lên tán cây gỗ lũa để tạo hình cho giống bonsai.
XIn cảm ơn các bạn đã đọc những bài viết chúng tôi chia sẻ!